English

HƯỚNG DẪN VIẾT BẢN MÔ TẢ SÁNG CHẾ ĐĂNG KÝ TẠI VIỆT NAM (phần 1)

02/08/2023 07:45

BẢN MÔ TẢ SÁNG CHẾ BAO GỒM:

1. Tên Sáng chế

2. Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập

3. Tình trạng kỹ thuật của sáng chế

4. Bản chất kỹ thuật của sángchế

5. Mô tả vắn tắt các hình vẽ

6. Mô tả chi tiết sáng chế

7. Ví dụ thực hiện sáng chế

8. Hiệu quả của sáng chế/ Những lợi ích sáng chế đạt được

9. Yêu cầu bảo hộ

10. Bản tóm tắt sáng chế

  1. Tên sáng chế

a) Yêu cầu:

+ Phải phù hợp với bản chất của đối tượng yêu cầu bảo hộ, tức là phù hợp với đối tượng sáng chế nêu trong yêu cầu bảo hộ.

+ Phải tương ứng với phạm vi bảo hộ. Điều này có nghĩa là nếu yêu cầu bảo hộ bao gồm nhiều đối tượng khác nhau thì tên sáng chế phải phản ánh điều đó. Ví dụ: Yêu cầu bảo hộ gồm chất, phương pháp sản xuất chất và thiết bị sản xuất chất đó thì tên sáng chế phải là : “Chất, phương pháp và thiết bị sản xuất chất” hoặc “chất, phương pháp sản xuất chất và thiết bị thực hiện phương pháp này”.

+ Không nên chứa các dấu hiệu mới của sáng chế. Sở dĩ có khuyến cáo này vì ở một số nước sau khi được đăng ký thì sáng chế được công bố tên ngay. Do đó, ai quan tâm họ có thể dựa vào các dấu hiệu đó để thực hiện sáng chế theo ý tưởng đã bị bộc lộ trong tên sáng chế.

+ Phải thuộc về chủng loại, tức là thuộc về tên đối tượng đang được dung phổ biến và trùng với tên đối tượng nêu trong Yêu cầu bảo hộ và trong Tờ khai và các tài liệu khác của đơn. Sở dĩ có quy định này là do phải thông báo cho xã hội về đối tượng đã được hoàn thiện bởi sáng chế nhằm tránh nghiên cứu trùng lặp.

+ Phải ngắn gọn, rõ ràng và không mang tính quảng cáo. Giống như tiêu đề của bài báo.

b) Cách đặt tên

+  Nếu sáng chế liên quan đến sản phẩm hoặc quy trình mà đã có tên đang được sử dụng phổ biến thì nên lấy ngay tên đó mà không cần phải đặt tên mới.

+ Nếu sáng chế liên quan đến sản phẩm hoặc quy trình mới lần đầu tiên được tạo ra thì nên đặt tên theo chức năng, ví dụ: Dụng cụ cắt chẳng hạn.

+ Tên sáng chế phụ thuộc phải trùng với tên sáng chế cơ bản.

  1. Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập

a) Yêu cầu

+ Phải chỉ ra lĩnh vực kỹ thuật cụ thể mà sáng chế liên quan đến hoặc lĩnh vực mà sáng chế được sử dụng. Lĩnh vực này phải phù hợp với lĩnh vực theo phân loại sáng chế quốc tế.

b) Chức năng

+ Xác định lĩnh vực mà trong đó sáng chế được sử dụng để khẳng định khả năng áp dụng của nó.

+ Phục vụ cho việc phân loại sáng chế một cách nhanh chóng và chính xác.

Nếu không phân loại chính xác sáng chế thì sẽ không tìm ra được đối

chứng phục vụ cho việc xét nghiệm đơn. Điều đó có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm sai lệch gây hậu quả bất lợi cho người nộp đơn.

c) Cách thể hiện:

+ Nói chung, để làm việc này nên nêu tên sáng chế và dấu hiệu xác định lĩnh vực sử dụng nó để bổ sung, giải thích tên sáng chế.

Ví dụ: “Sáng chế máy được sử dụng để xếp các hộp đựng đồ hộp sau khi đã

được đổ đầy vào hòm dùng cho ngành công nghiệp thực phẩm và có thể được sử dụng cho các nhà máy đóng gói đồ hộp”.

+ Nếu tên sáng chế xác định cả bản chất kỹ thuật lẫn lĩnh vực sử dụng nó, như cần trục tháp xây dựng, thì nên thể hiện phần này như sau: “Sáng chế đề cập đến các loại cần trục tháp xây dựng”.

+ Nếu sáng chế là sáng chế bổ sung cho một sáng chế đã được cấp Patent hay đơn đăng ký nào đó thì phần này nên được thể hiện như sau:

“Trong Patent cơ bản (nêu số Patent) hoặc đơn (nêu số đơn) có mô tả cột thủy lực có lực cản cố định, dấu hiệu “van một chiều đặt trong pittông đường kính lớn” là dấu hiệu cơ bản”.

  1. Tình trạng kỹ thuật của sáng chế

a) Yêu cầu:

+ Phải nêu một hoặc một số giải pháp kỹ thuật đã biết trùng với đối tượng nêu trong đơn về bản chất kỹ thuật và mục đích, tức là hiệu quả đạt được, hoặc cùng giải quyết một vấn đề như sáng chế, chỉ ra các dấu hiệu cơ bản của chúng và các nhược điểm của các giải pháp này và nguyen nhân của chúng mà sẽ được sáng chế khắc phục một phần hoặc toàn bộ.

+ Phải chỉ ra nguồn thông tin về chúng (như số Patent, nước cấp, tên ấn phẩm, tác giả, nhà xuất bản và nơi xuất bản, số trang cụ thể, v.v.).

b) Cách thể hiện:

+ Có hai cách trình bày phần này. Cách thứ nhất: nêu từng giải pháp kỹ thuật, các dấu hiệu cơ bản của nó và chỉ ra nhược điểm và nguyên nhân của chúng. Cách thứ hai: nêu tất cả các giải pháp kỹ thuật một cách tổng thể và sau đó chỉ ra nhược điểm chung và riêng của chúng.

+ Phải chọn ra trong số các giải pháp đó, một giải pháp kỹ thuật mà Người nộp đơn cho là gần nhất, tức là trên cơ sở giải pháp đó sáng chế nêu trong đơn đã được tạo ra.

Đối với các đối tượng sáng chế khác nhau yêu cầu thể hiện phần này là khác nhau.

+ Nếu là cơ cấu thì phải mô tả cơ cấu đó, tức là phải chỉ ra các dấu hiệu kết cấu và cách hoạt động của nó hoặc cách sử dụng nó, đôi khi cần phải mô tả tại sao, nhằm mục đích công nghệ nào mà cần đến thiết bị đó. Sau đó, chỉ ra các nhược điểm của nó, đồng thời chỉ ra nguyên nhân của chúng mà có thể sẽ được khắc phục bởi cơ cấu nêu trong đơn.

+ Nếu giải pháp kỹ thuật đã biết là quy trình thì nêu các công đoạn được thực hiện theo trình tự và chỉ ra các thông số cần thiết để thực hiện từng công đoạn. Sau đó, chỉ ra nhược điểm của giải pháp đó và nguyên nhân gây ra nhược điểm đó mà có thể sẽ được khắc phục bởi quy trình nêu trong đơn.

+ Nếu giải pháp kỹ thuật đã biết liên quan đến chất thì cần mô tả các thành phần, thậm chí cả công thức, cũng như các tính chất chủ yếu và nhược điểm của chất đó.

+ Nếu không có thông tin về các giải pháp kỹ thuật đã biết thì trong phần này phải ghi rõ điều đó.

Trường hợp này có thể là sáng chế nêu trong đơn hoàn toàn mới, tức là lần đầu tiên nó được tạo ra, hoặc nó thay thế các giải pháp kỹ thuật đang tồn tại mà không phải là hoàn thiện chúng.

c) Chức năng:

+ Giúp cho người nộp đơn kiểm tra lại ý tưởng của mình;

+ Giúp cho người nộp đơn khẳng định lại xem có nhu cầu về sáng chế hay không;

+ Giúp cho xét nghiệm viên hiểu, tra cứu và xét nghiệm sáng chế (đây có thể là phần duy nhất của bản mô tả mà xét nghiệm viên đọc);

+ Mô tả tốt phần này sẽ có giá trị thuyết phục trong việc :

+ Kêu gọi đầu tư và ký kết hợp đồng li-xăng;

+ Giúp xét nghiệm viên và thẩm phán hiểu rõ tầm quan trọng của sang chế, về vấn đề và cách thức mà sáng chế giải quyết cũng như các ưu điểm của sáng chế so với giải pháp kỹ thuật đã biết.

4. Bản chất kỹ thuật của sáng chế

a) Yêu cầu:

+ Phải nêu được mục đích của sáng chế, tức là kết quả nào xã hội sẽ nhận được nhờ sáng chế. Kết quả này là những lợi ích kinh tế - xã hội đạt được cao hơn khi sử dụng sáng chế so với việc sử dụng giải pháp kỹ thuật đã biết gần nhất nêu trong phần “Tình trạng kỹ thuật của sáng chế”.

+ Mục đích của sáng chế phải được thể hiện một cách khách quan, cụ thể, không được nêu chung chung và không được mang tính quảng cáo và phải liên quan nhân quả với các dấu hiệu cơ bản khác biệt của sáng chế nêu trong bản mô tả;

+ Phải nêu được bằng cách nào, tức là phải chỉ ra bằng phương tiện kỹ thuật gì mà nhờ đó sáng chế được đề xuất đạt được mục đích đề ra.

b) Cách thể hiện:

+ Để đáp ứng được các yêu cầu nêu trên, phần này thường được trình bày bằng cách trước tiên nêu mục đích của sáng chế, ví dụ: “Mục đích của sáng chế là...”, tiếp đến có thể trình bày tiếp theo hai phương án:

+ Chỉ ra các dấu hiệu cơ bản khác biệt của nó so với giải pháp kỹ thuật gần nhất. Ví dụ: “Để đạt được mục đích nêu trên, cơ cấu (chất, quy trình) theo sáng chế bao gồm (nêu các dấu hiệu khác biệt của nó so với giải pháp kỹ thuật gần nhất”;

+ Nêu tất cả các dấu hiệu cơ bản chung cho sáng chế và giải pháp kỹ thuật đã biết, rồi nêu tiếp các dấu hiệu cơ bản khác biệt của sang chế. Ví dụ: “Để đạt được mục đích nêu trên, cơ cấu (chất, quy trình) theo sáng chế bao gồm (nêu các dấu hiệu cơ bản chung), cơ cấu (chất, quy trình) này còn có thêm (nêu các dấu hiệu cơ bản khác)”.

+ Nếu đơn có một số đối tượng bảo đảm tính thống nhất của sáng chế thì sau khi nêu các dấu hiệu cơ bản khác biệt của đối tượng thứ nhất phải lần lượt nêu các dấu hiệu cơ bản khác của các đối tượng tiếp theo.

+ Nếu đơn có một đối tượng nhưng được thể hiện theo các phương án khác nhau thì trước tiên phải nêu các dấu hiệu cơ bản khác của đối tượng theo phương án thứ nhất. Tiếp đó, lần lượt nêu các dấu hiệu của đối tượng đó theo các phương án tiếp theo, đồng thời phải chỉ ra ưu điểm của sáng chế theo từng phương án.

+ Nếu đơn gồm một đối tượng tổng thể và một hoặc một số biện pháp của nó thì bản chất kỹ thuật của sáng chế phải được thể hiện sao cho có thể hiểu được các nhiệm vụ đặt ra cho từng đối tượng.

  1. Mô tả vắn tắt các hình vẽ

Hình vẽ, sơ đồ (nếu cần) nhằm giúp cho việc hiểu sáng chế trở nên dễ dàng hơn

a) Yêu cầu:

+ Phải được trình bày thành tài liệu riêng của đơn;

+ Phải được thể hiện theo các quy định về vẽ kỹ thuật;

+ Phải được thể hiện bằng các đường nét màu đen, bền màu, rõ nét, không tô màu trên giấy trắng không có dòng kẻ;

+ Tỷ lệ của hình vẽ và độ rõ nét của các chi tiết phải được thực hiện sao cho khi sao chụp với độ thu nhỏ 2/3 vẫn phân biệt được các chi tiết trên đó;

+ Chỉ được thể hiện cùng với các ký hiệu chỉ dẫn (không để trong ngoặc hoặc khoanh tròn) để dễ nhìn hình vẽ mà không được ghi kích thước, chứa các chữ, trừ trường hợp cần thiết để giải thích nhưng phải ngắn gọn như “nước”, “hơi”, “mở”, “đóng”, v.v;

+ Có thể trình bày nhiều hình vẽ trên một trang giấy. Nếu các hình vẽ tạo nên một hình vẽ thống nhất được bố trí trên nhiều trang thì chúng phải được bố trí sao cho hình vẽ đó có thể ghép lại mà không mất bất cứ phần nào của các hình vẽ trên các trang khác nhau;

+ Các hình vẽ riêng biệt cần được đánh số thứ tự bằng chữ số Ả rập và Không phụ thuộc vào số thứ tự trang;

+ Các hình vẽ phải phù hợp với nhau và với các tài liệu của đơn, đặc biệt là bản mô tả , đặc biệt là về các ký hiệu chỉ dẫn nhằm tránh gây ra sự hiểu sai lệch sáng chế. Điều này có nghĩa là mỗi chi tiết nhất định phải tương ứng với một ký hiệu chỉ dẫn trên tất cả các hình vẽ và trong toàn bộ các tài liệu của đơn;

+ Các ký hiệu chỉ dẫn không được nhắc đến trong bản mô tả không được ghi trên hình vẽ và ngược lại.

+ Trong trường hợp hình vẽ là cần thiết để giúp cho việc hiểu được sáng chế một cách dễ dàng hơn thì phần này được trình bày ngay tiếp sau phần “Bản chất kỹ thuật của sáng chế”. Phần này cần được trình bày một cách ngắn gọn bằng cách liệt kê các hình vẽ và giải thích chúng một cách ngắn gọn.

+ Phần này thường được trình bày như sau : “Để sáng chế được hiểu một cách dễ dàng hơn, các hình vẽ sau thể hiện sáng chế theo các phương án khác nhau, trong đó :

- H.1 là hình vẽ phối cảnh của thiết bị theo một phương án của sáng chế;

- H.2 là hình vẽ mặt cắt theo đường A-A trên H.1, v.v.

Tiếp theo phần 2: HƯỚNG DẪN VIẾT BẢN MÔ TẢ SÁNG CHẾ ĐĂNG KÝ TẠI VIỆT NAM (phần 2)

Vui lòng liên hệ với sđt 0862132380 hoặc Email: ip@ipct.vn để được tư vấn tốt nhất

 

Tin liên quan
BẢN MÔ TẢ SÁNG CHẾ BAO GỒM: 1. Tên Sáng chế 2. Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập 3. Tình trạng kỹ thuật của sáng chế 4. Bản chất kỹ thuật của sángchế 5. Mô tả vắn tắt các hình vẽ .....
BẢN MÔ TẢ SÁNG CHẾ BAO GỒM: .......... 6. Mô tả chi tiết sáng chế 7. Ví dụ thực hiện sáng chế 8. Hiệu quả của sáng chế/ Những lợi ích sáng chế đạt được 9. Yêu cầu bảo hộ 10. Bản tóm tắt sáng chế

Đối tác tin cậy của quý khách trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Thông tin liên hệ

CÔNG TY TNHH IPCT VIỆT NAM
Địa chỉ: 11A Hồng Hà, Phường 2, Quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0862132380
Email: ip@ipct.vn
Web: ipct.vn

Đăng ký nhận tin

Đăng ký để nhận được được thông tin mới nhất từ chúng tôi.