English

NGƯỜI NỘP ĐƠN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU TẠI VIỆT NAM CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?

15/07/2023 09:18

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, một nhãn hiệu từ khi đăng ký cho đến khi được cấp bằng bảo hộ mất khoảng 12 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian này có thể kéo dài từ 15 đến 18 tháng, thậm chí hơn. Vậy trong thời gian đó Cục SHTT làm gì và người nộp đơn có các quyền gì? Đây có lẽ là câu hỏi mà rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp quan tâm.

  1. Thẩm định hình thức đơn

Khi hồ sơ đăng ký nhãn hiệu được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ, trong vòng 01 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục SHTT sẽ thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu.

Theo Điều 13.1 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN thẩm định hình thức đơn là kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được xem là hợp lệ hay không. Đơn hợp lệ sẽ được tiếp tục xem xét, đơn không hợp lệ sẽ bị từ chối.

Các nội dung xem xét về hình thức đơn được quy định tại Điều 105 Luật SHTT, bao gồm:

- Đầy đủ tài liệu (tờ khai, mẫu nhãn, giấy ủy quyền nếu nộp đơn thông qua đại diện, tài liệu chứng minh quyền ưu tiên nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên);

- Mẫu nhãn hiệu: rõ ràng, đúng khổ quy định và phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành nên nhãn hiệu, ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có). Nếu nhãn hiệu có từ, ngữ tượng hình hoặc bằng tiếng nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt;

- Danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu: phải phân loại phù hợp theo Thỏa ước Ni –xơ phiên bản 11 về phân loại quốc tế hàng hóa và dịch vụ;

- Đối với nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể thì phải cung cấp thêm Quy chế sử dụng với những nội dung cụ thể theo Luật SHTT.

Sau 30 ngày thẩm định về mặt hình thức, Cục SHTT sẽ ra Thông báo Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.

Lưu ý rằng, ngày nộp đơn có ý nghĩa lớn đối với người nộp đơn bởi lẽ, đăng ký nhãn hiệu sẽ dựa vào nguyên tắc “first to file”, ai nộp đơn trước sẽ có quyền ưu tiên trước, Cục SHTT sẽ dựa vào ngày nộp đơn để có thể đưa ra thông báo từ chối đối với những đơn trùng hoặc đơn tương tự nộp sau đó.

  1. Công bố đơn

Đơn đã được chấp nhận hợp lệ về hình thức đều được Cục SHTT công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Thời gian công bố đối với nhãn hiệu là 02 tháng kể từ ngày có chấp nhận hợp lệ (Điều 14 Thông tư 01/2007-TT-BKHCN).

Kể từ thời điểm này, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với Cục SHTT về việc cấp hoặc không cấp bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải lập thành văn bản, kèm tài liệu hoặc dẫn nguồn thông tin để chứng minh (Điều 112 Luật SHTT).

  1. Thẩm định nội dung

Đây là giai đoạn khó nhất và mất nhiều thời gian nhất. Nếu thẩm định hình thức chỉ xoay quanh việc kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, phân loại đúng hàng hóa/dịch vụ thì thẩm định nội dung lại xem xét nhãn hiệu có thuộc đối tượng được bảo hộ hay không, có trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của chủ đơn khác hay không.

Thời gian để thực hiện công việc thẩm định nội dung là 09 tháng kể từ ngày công bố đơn hợp lệ. Nội dung thẩm định được quy định cụ thể tại Điều 15.6 Thông tư 01/2007-TT-BKHCN, bao gồm:

- Đánh giá khả năng bảo hộ của dấu hiệu;

- Tra cứu tìm tài liệu từ nguồn thông tin tối thiểu;

- Đánh giá khả năng phân biệt của dấu hiệu với các tài liệu đối chứng tìm được;

- Kết luận về khả năng bảo hộ của dấu hiệu, xác định phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu.

Khi kết thúc giai đoạn này, thông thường sẽ có hai kết quả:

+ Một là, Cục SHTT ra Thông báo kết quả thẩm định nội dung nếu dấu hiệu không đáp ứng yêu cầu bảo hộ, Cục SHTT sẽ ấn định thời gian là 02 tháng để chủ đơn có ý kiến về việc từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Hết thời hạn ấn định nếu người nộp đơn không có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc ý kiến trả lời không xác đáng, Cục SHTT sẽ ra Quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Giấy CNĐKNH).

+ Hai là, Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ nếu dấu hiệu đáp ứng yêu cầu bảo hộ.

4. Cấp văn bằng bảo hộ

Trong thời gian 01 tháng kể từ ngày ký Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ, chủ đơn phải nộp lệ phí liên quan đến Thông báo này. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí, Cục SHTT sẽ tiến hành thủ tục cấp văn bằng bảo hộ. Trong trường hợp, người nộp đơn không đóng lệ phí, Cục SHTT sẽ ra Thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

5. Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu

Giấy CNĐKNH có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm.

Trong vòng 06 tháng trước khi Giấy CNĐKNH hết hiệu lực, chủ Giấy CNĐKNH phải nộp đơn yêu cầu gia hạn cho Cục SHTT. Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời gian quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày Giấy CNĐKNH hết hiệu lực và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn cộng với 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn. Hết thời gian này, chủ bằng không nộp lệ phí gia hạn thì Giấy CNĐKNH sẽ bị chấm dứt hiệu lực (Điều 20.4 Thông tư 01/2007-TT-BKHCN)

6. Quyền của người nộp đơn

Kể từ ngày đăng ký nhãn hiệu, chủ đơn có các quyền sau:

- Quyền ưu tiên đối với ngày nộp đơn. Như đã đề cập ở trên, các đơn trùng hoặc tương tự nộp sau đều có thể bị từ chối.

- Quyền sửa đổi, bổ sung, tách, chuyển đổi: trước khi có quyết định về nội dung, người nộp đơn có quyền sửa đổi, bổ sung đơn, tách đơn, yêu cầu ghi nhận thay đổi tên, địa chỉ người nộp đơn. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ dung không được mở rộng phạm vị đối tượng đã được nêu trong đơn. Ví dụ, nếu muốn mở rộng phạm vị bảo hộ cho nhãn hiệu, người nộp đơn không được quyền bổ sung nhóm hàng hóa/dich vụ mà phải nộp một đơn mới.

- Rút đơn đăng ký nhãn hiệu:

Quyền sở hữu nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở đăng ký và có quyết định cấp Giấy CNĐKNH của Cục SHTT trừ nhãn hiệu nổi tiếng. Do đó, trong thời gian đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn chỉ có ngày ưu tiên như đã nêu ở trên mà chưa thể có các quyền ngăn cấm, cho phép, quyền định đoạt nhãn hiệu như quy định tại Điều 123 Luật SHTT.

Tuy nhiên, người nộp đơn vẫn có quyền ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu của mình bằng những biện pháp như áp dụng quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, đăng ký nhãn hiệu dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng (mất khoảng 30 ngày) nếu đáp ứng được yêu cầu bảo hộ ở dạng này.

Việc ra quyết định bảo hộ nhãn hiệu có ý nghĩa lớn đối với người nộp đơn. Từ đó, người nôp đơn chính thức là chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, có quyền ngăn cấm, cho phép, quyền định đoạt nhãn hiệu. Nắm rõ được quy trình đăng ký nhãn hiệu giúp chủ đơn theo dõi được tiến trình đăng ký nhãn hiệu của mình để từ đó có thể liên hệ với Cục SHTT trong trường hợp đơn bị chậm so với tiến trình.

Vui lòng liên hệ với sđt 0862132380 hoặc Email: ip@ipct.vn để được tư vấn tốt nhất

Tin liên quan
Một trong những điểm nổi bật của Nghị định 65/2023/NĐ-CP là sự ra đời của bộ tờ khai Sở hữu công nghiệp mới, trong đó có tờ khai Đăng ký nhãn hiệu
) Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu quy định tại điểm 7.1.a của thông tư 01-2007/TT/BKHCN, đơn còn bắt buộc phải có thêm các tài liệu : Quy chế sử dụng, Bản thuyết minh, ....
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, một nhãn hiệu từ khi đăng ký cho đến khi được cấp bằng bảo hộ mất khoảng 12 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian này có thể kéo dài từ 15 đến 18 tháng, thậm chí hơn. Vậy trong thời gian đó Cục SHTT làm gì và người nộp đơn có các quyền gì?
Mỗi đơn chỉ đăng ký cho 1 mẫu nhãn hiệu, tuy nhiên không giới hạn về số lượng sản phẩm.
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: 1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh 2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Tài liệu cần khi đăng ký nhãn hiệu gồm có: Tờ Khai, mẫu nhãn hiệu, chứng từ nộp phí, lệ phí, giấy ủy quyền,...

Đối tác tin cậy của quý khách trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Thông tin liên hệ

CÔNG TY TNHH IPCT VIỆT NAM
Địa chỉ: 11A Hồng Hà, Phường 2, Quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0862132380
Email: ip@ipct.vn
Web: ipct.vn

Đăng ký nhận tin

Đăng ký để nhận được được thông tin mới nhất từ chúng tôi.